Hầu hết các bậc cha mẹ đều cảm thấy lo lắng khi bỗng một ngày con thốt ra câu: “Mẹ ơi, con không muốn học chút nào”, “Bố ơi con ghét học” hay nghiêm trọng hơn là có những trẻ không nói ra mình chán học mà chỉ âm thầm chống đối. Lúc này, một số ít phụ huynh giữ được bình tĩnh để nói chuyện, động viên con của họ bằng cách nói với chúng việc học quan trọng ra sao. Nhưng phần lớn phụ huynh khi nghe con nói như vậy không khỏi tức giận la mắng trẻ. Nhưng thay vì tức giận, tại sao bạn không tìm hiểu xem đâu là biểu hiện và nguyên nhân gì khiến con không muốn học, từ đó tìm hướng giải quyết phù hợp.
Dấu hiệu của trẻ chán ghét việc học
Không dành thời gian học
Một đứa trẻ yêu thích việc học sẽ biết cách cân đối thời gian học và giải trí. Nếu con bạn ít dành thời gian cho việc học, ít đi đáng kể so với trước đó. Thì có thể con bạn đang bắt đầu có dấu hiệu chán học. Tuy nhiên, nếu bạn thấy trẻ bắt đầu dành quá nhiều thời gian cho việc vui chơi, giải trí, ngồi vào bàn học không tập trung mà làm việc khác như vẽ vời, ngồi nghĩ vẩn vơ,… thì bạn cần phải lưu ý. Bởi có thể con bạn có thể đang cảm thấy chán ghét việc học và bắt đầu hướng đến việc giải trí nhiều hơn.
Điểm số dần sa sút
Nếu như kết quả học tập của con bạn có sự giảm sút nghiêm trọng và liên tiếp, bạn cần tìm hiểu nguyên nhân. Có thể một trong những cốt lõi của việc điểm số sa sút là con cảm thấy chán và không muốn học. Nếu không có động lực học, trẻ sẽ không có hứng thú để tiếp thu kiến thức, ôn luyện bài vở. Ngược lại nếu trẻ vẫn tham gia các lớp học đầy đặn, làm bài tập thường xuyên nhưng khả năng tiếp thu kém, điểm sa sút và học không hiệu quả như trước đó thì đây cũng là biểu hiện cho thấy trẻ đã cảm thấy chán nản với công việc học tập trên lớp.
Lý do nào khiến trẻ không muốn học?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tâm lý không muốn học của trẻ. Dưới đây là một số nguyên nhân khiến trẻ chán ghét và không muốn học:
Nguyên nhân đầu tiên là do “Sự kỳ vọng của xã hội”
Tại Việt Nam, một học sinh giỏi được thầy cô, bố mẹ, xã hội nhân định là phải giỏi đều các môn, điểm trung bình tất cả các môn đều trên 8.0; hoặc ít nhất phải giỏi các môn chính như Toán, Văn, Anh. Những em “học lệch” chỉ giỏi 1, 2 môn trên tổng số 10 – 12 môn học, hoặc chỉ giỏi những môn không được đánh giá cao như môn Sử, Địa,… thì được cho rằng là khó có tương lai hay tệ hơn là “học dốt”. Lúc này, trẻ phải nghe những định kiến của bố mẹ, mọi người xung quanh rằng con phải tập trung học những môn chính, còn những môn phụ không quan trọng. Trẻ không được tự do học những gì mình yêu thích, không được đầu tư phát triển năng khiếu của bản thân. Bởi những môn sở trường của trẻ không được mọi người xem trọng nên con sẽ có xu hướng tự ti, chán nản việc học, thậm chí là “không muốn học nữa”.
Trẻ tự ti vì thành tích học tập không tốt
Con thông minh, học giỏi là điều mà cha mẹ nào cũng mong muốn. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng phát triển như nhau. Có trẻ tư duy tốt, học nhanh hiểu nhanh nhưng cũng có trẻ kém hơn và chậm hơn các bạn đồng trang lứa. Khi trẻ cố gắng hết sức để học, làm bài tập nhưng kết quả vẫn không khả quan, con sẽ có tâm lý tự ti, chán nản, thậm chí có suy nghĩ mình đã cố nhưng học mãi không bằng các bạn thì học tiếp làm gì nữa.
Trong trường hợp này, nếu bố mẹ có xu hướng thúc ép và so sánh con với các bạn khác như con phải đạt điểm cao như bạn A chứ, con nhìn bạn B xem bạn học giỏi thế kia cơ mà, con phải giống các bạn chứ. Lúc này con sẽ cảm thấy tổn thương khi đã cố gắng nhưng không được bố mẹ công nhận. Lâu dần con sẽ gắn mác tiêu cực lên chính bản thân mình và học chống đối, không muốn cố gắng nữa. Vì vậy, các bậc làm cha mẹ nên nhìn nhận vào những cố gắng và khả năng của con mình để vạch ra các kế hoạch phù hợp cho con. Đồng thời cha mẹ cũng phải thường xuyên khuyến khích và động viên trẻ.
Thời gian học trên trường lớp quá nhiều, trẻ không có thời gian nghỉ ngơi
Học quá nhiều không có thời gian nghỉ là một trong những nguyên nhân khiến trẻ không muốn học nữa vì lúc nào bố mẹ cũng bắt học học học chẳng phải là quá nhàm chán rồi. Đừng để tâm trí của con bạn chìm ngập trong bài vở mà không quan tâm đến mọi thứ xung quanh.
Hãy cho con tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, chơi thể thao, âm nhạc hoặc tham gia các lớp về năng khiếu. Điều này sẽ giúp con giải tỏa được áp lực tâm lý và giải tỏa căng thẳng. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể khích lệ con bằng cách cho con đi du lịch, đi cắm trại,… Tâm trí thoải mái sẽ giúp khơi dậy sự sáng tạo và đam mê học tập trong trẻ.
Giáo viên không tạo hứng thú khi học
Nguyên nhân gây nên tình trạng trẻ không muốn học đôi khi nằm ở chính cách giảng dạy của giáo viên. Chất lượng giáo viên và bài giảng kém hấp dẫn cũng là nguyên nhân khiến trẻ không hứng thú với việc học. Việc có một tấm gương để trẻ học tập theo và thúc đẩy niềm vui trong việc học của trẻ là điều vô cùng quan trọng. Nếu giáo viên có chuyên môn tốt, tâm huyết với việc giảng dạy, tạo nhiều hoạt động và phần thưởng cho trẻ trong quá trình học thì trẻ sẽ thấy hứng khởi và có động lực học. Nếu được như vậy, trẻ sẽ không chỉ yêu quý giáo viên hơn, mà còn cảm thấy thích thú hơn với việc học.
Do cha mẹ quá bận, không quan tâm đến con
Cuộc sống hiện đại, cha mẹ mải mê lao vào vòng xoáy kiếm tiền mà quên đi chuyện học hành của con cái, thậm chí thoái thác toàn bộ cho người giúp việc, gia sư, giáo viên,… Con sẽ có cảm giác bị bỏ rơi, con học vì điều gì khi chính bố mẹ, người thân nhất của mình không quan tâm đến. Điểm cao cũng chẳng ai khen, điểm thấp cũng chẳng sao, chẳng ai quan tâm. Nhiều trẻ có những tâm sự, khó khăn ở trường lớp hay những thay đổi về tâm sinh lý nhưng không biết kể với ai, thành ra trẻ không có động lực để đến trường và không muốn đi học.
Hơn hết, trẻ bị bạn bè bắt nạt, trêu chọc, bị nói xấu hay thậm chí bị thầy cô “đì”, đối xử không tốt cũng dẫn đến việc trẻ chán nản và không muốn học. Lúc này bố mẹ cần có sự tinh ý để hỏi han con xem con đang gặp vấn đề gì để giải quyết.
Cha mẹ nên làm gì khi con nói con không muốn học?
Khuyên bảo nhẹ nhàng nhưng cứng rắn
Khi biết con đang trong tình trạng chán nản, không muốn học, bố mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân rõ ràng bằng cách nói chuyện nhẹ nhàng, gần gũi và thân mật với con. Việc này có thể không hề đơn giản, bởi nó đòi hỏi sự thấu hiểu và kiên nhẫn dành cho con của bạn. Hãy trò chuyện với con bạn nhiều hơn. Nghe con chia sẻ, tâm sự, trải lòng để nắm được nguyên nhân chính xác của việc con không muốn học là gì.
Từ đó, lựa chọn phương pháp khoa học, hợp lý tùy theo độ tuổi, tính cách và tâm lý của trẻ để đưa ra biện pháp phù hợp. Nhẹ nhàng khuyên bảo và nói cho con hiểu kết hợp với sự nghiêm túc và răn đe nhất định. Và tất nhiên, bố mẹ không tránh quát mắng, đe dọa hay gây áp lực lên trẻ trong thời điểm này.
Tạo sự hào hứng cho trẻ
Thay vì cáu gắt, cằn nhằn mỗi khi trẻ chưa hoàn thành được bài tập về nhà, điểm kém hay nhận phản hồi không tốt từ cô giáo thì bố mẹ nên khích lệ, động viên trẻ trong giai đoạn nhạy cảm này. Đôi khi con bạn phát triển chậm hơn các bạn khác nhưng cũng đã rất cố gắng, bố mẹ cần nhìn vào cả quá trình cố gắng của con chứ không phải chỉ riêng kết quả. Hãy thúc đẩy sự ham học của con bằng cách tạo động lực cho trẻ bằng những phần thưởng nho nhỏ.
Mỗi khi con được điểm cao hay có thành tích tốt, bố mẹ nên động viên con bằng những lời khen, một phần thưởng nhỏ để con có sự hào hứng vì những cố gắng của mình đã được ghi nhận. Tuy nhiên bố mẹ không nên quá làm dụng phần thưởng bởi con sẽ nghỉ học chỉ để lấy phần thưởng chứ không phải học cho bản thân.
Phương pháp học
Bố mẹ có thể nghiên cứu những cách học khác nhau và cùng con trải nghiệm. Khám phá xem phương pháp nào là hiệu quả nhất với con. Cha mẹ có thể cho con thực hành phương pháp vẽ sơ đồ tư duy hoặc lập dự án, học trực tuyến…để trẻ có thể ứng dụng nhiều phương pháp khác nhau với nhiều môn học khác nhau. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể khuyến khích con học nhóm, kết hợp các hoạt động vui chơi để giảm căng thẳng. Như vậy việc học của trẻ sẽ hiệu quả hơn và cảm thấy yêu thích việc học hơn.
Hi vọng qua những chia sẻ này, các bậc phụ huynh đã giải đáp được hết những băn khoăn về vấn đề phải làm sao khi con bạn không muốn học và đường hướng giải quyết ra sao.