Rèn luyện sự tập trung cho trẻ luôn là một điều nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Đặc biệt là khi trẻ bắt đầu chuẩn bị đi học “đại học chữ to”. Thế nhưng đa phần phụ huynh đều rất bối rối trong việc làm thế nào để rèn được kỹ năng này. SunUni Junior sẽ gợi ý cho ba mẹ những bí kíp để có thể rèn luyện sự tập trung ở trẻ giảm áp lực nhất có thể, hãy cùng tìm hiểu nhé.

SỰ TẬP TRUNG LÀ GÌ VÀ NHỮNG HIỂU LẦM THƯỜNG THẤY

Trước hết thì, chúng ta sẽ cùng xem lại sự tập trung là gì. Đa phần ba mẹ sẽ nghĩ con ngồi yên một chỗ trong thời gian dài là tập trung, nhưng thật ra định nghĩa này rất sai lầm. Thật ra, một đứa trẻ với năng lực phát triển bình thường có khoảng thời gian tập trung ngắn hạn tùy theo độ tuổi, ví dụ trẻ 3-5 tuổi tập trung được khoảng 4-5 phút nếu chưa qua rèn luyện. Thông qua rèn luyện, trẻ 5 tuổi có thể tập trung tối đa là 15 phút. Mức độ tập trung của trẻ sẽ được tính bằng khả năng hoàn thành nhiệm vụ trong một khoảng thời gian nhất định, chứ không phải trẻ càng ngồi yên một chỗ lâu thì tức là trẻ càng tập trung.

Cũng chính vì sự hiểu lầm này, nhiều ba mẹ thường sẽ gò trẻ vào một khung thời gian quá dài, bắt trẻ phải làm nhiệm vụ học tập trong thời gian đó, dù có thể chưa cần biết là bài tập, nhiệm vụ đó so với khả năng của trẻ ra sao. Đồng thời, ba mẹ thường chỉ quan tâm về sự tập trung khi con bắt đầu phải đi học mà quên đi rằng việc rèn luyện sự tập trung cần bắt đầu sớm. Đây là những hiểu nhầm tai hại khiến cho trẻ không thể rèn luyện sự tập trung và đồng thời cũng mất đi hứng thú, một yếu tố quan trọng để trẻ tập trung trong bất kỳ hoạt động nào.

rèn luyện sự tập trung

BÍ QUYẾT RÈN LUYỆN SỰ TẬP TRUNG Ở TRẺ

Có rất nhiều cách rất thú vị và hiệu quả để giúp ba mẹ rèn luyện sự tập trung cho trẻ mà không nhất thiết phải liên quan tới học tập. Việc rèn luyện sự tập trung nên diễn ra ở cả những hoạt động sinh hoạt hay vui chơi thường ngày và nên bắt đầu từ sớm. Điều này sẽ giúp trẻ hình thành thói quen tập trung trong mọi việc và là nền tảng phát triển những kỹ năng khác cho trẻ một cách toàn diện. Những cách thức dưới đây ba mẹ chỉ cần dành thời gian cho một số hoạt động đòi hỏi chú ý đến chi tiết và chỉ mất một vài bước để thực hiện.

Rèn luyện tính tập trung cho trẻ nên bắt đầu từ những ngày mẫu giáo, hãy khởi động bằng những công việc mà ba mẹ biết chắc chắn trẻ có thể hoàn thành, sau đó bắt đầu tăng dần độ khó lên. Sau đây là một số gợi ý hữu ích dành cho ba mẹ có thể bắt đầu rèn sự tập trung cho con

Những trò chơi và hoạt động giúp rèn luyện sự tập trung

Bắt đầu từ những trò chơi giúp trẻ hình thành và rèn luyện sự tập trung trong vô thức. Sử dụng trò chơi là cách dễ dàng nhất để tạo hứng thú và tập trung cho trẻ. Việc luyện sớm cũng giúp ba mẹ đỡ vất vả hơn sau này khi con bắt đầu đi học mới gò con vào khuôn phép.

Ghép đường ray tàu hỏa. Trẻ sẽ phát triển được khả năng tập trung khi cố gắng ghép các đường ray một cách chính xác, ngoài ra trẻ cũng sẽ nâng cao được kỹ năng toán học, phát triển kỹ năng quan sát không gian.

Chơi ghép hình. Bắt đầu bằng 24 mảnh ghép, sau đó nâng lên 48 mảnh ghép và nhiều hơn. Một trò chơi đòi hỏi tập trung cao độ nhưng lại không hề nhàm chán vì màu sắc của các bộ xếp hình rất rực rỡ, giúp kích thích thị giác và tạo hứng thú cho trẻ.

rèn luyện tập trung

Xâu các chuỗi hạt. Bắt đầu bằng một số hạt có màu sắc khác nhau, sau đó tạo ra quy luật cho các hạt, ví dụ như xâu các màu đỏ, vàng, xanh, tím theo thứ tự, yêu cầu trẻ lặp lại 5 đến 6 lần. Kết quả cuối cùng cũng khiến các bạn nhỏ rất vui vì có chuỗi hạt độc đáo của riếng mình

Nghe radio hoặc những quyển sách dạng nói. Những hoạt động này sẽ đòi hỏi sự tập trung cao độ hơn rất nhiều so với việc xem tivi. Trên tivi, hình ảnh và âm thanh thường được thay đổi cứ 5 đến 10 giây một lần để giữ sự hấp dẫn cho khán giả. Nhưng với những quyển sách dạng nói, trẻ sẽ cần ngồi thật yên lặng và tập trung nghe hết tất cả những chi tiết của câu chuyện.

Chơi phân loại. Hãy mua những chiếc hộp bao gồm 100 chiếc cúc áo với nhiều loại cúc khác nhau. Để bé phân loại và sắp xếp những chiếc cúc giống nhau vào cùng một nhóm, có thể là theo màu sắc, số lỗ trên cúc, kích thước của cúc..

Học các bài hát hoặc thơ thiếu nhi cùng với con. Ba mẹ có thể đọc từng dòng và bé sẽ nhắc lại. Làm lần lượt cho đến khi bé học thuộc cả bài. Bạn có thể mua những tập thơ có bao gồm cả hình ảnh để giúp bé nhớ nhanh hơn.

Những điều cần nhớ để giúp phát triển và rèn luyện sự tập trung cho trẻ

Thấu hiểu con

Nếu con là một đứa trẻ hiếu động bẩm sinh, xin ba mẹ đừng ép buộc bé phải ngồi học thuộc thơ để rèn luyện sự tập trung. Thay vào đó, có thể đăng ký cho bé một khóa học phát triển kỹ năng thể thao. Nếu bé có hứng thú với nghệ thuật, hãy thử cho bé học vẽ tranh. Mỗi một đứa trẻ có thiên hướng phát triển khác nhau, ba mẹ cần hiểu con mình thuộc hình mẫu gì để lựa chọn những hoạt động phù hợp.

Hạn chế thời gian xem tivi và chơi điện tử.

Tivi và trò chơi điện tử sẽ làm giảm khả năng tập trung tự nhiên của trẻ, bởi luôn có những thay đổi diễn ra liên tục trong các chương trình và trò chơi điện tử, điều này khiến trẻ xao nhãng và mất khả năng tập trung, tạo thói quen xấu chỉ xem các thông tin ngắn, không chịu đào sâu suy nghĩ. Nếu con hay bị xao nhãng , hãy để bé thực hiện nhiều hoạt động giúp nâng cao sự tập trung và hạn chế thời gian xem tivi hơn.

Khuyến khích bé hoàn thành mọi công việc

Hãy động viên trẻ tô màu xong bức tranh hoặc ghép xong bức hình còn đang dang dở trước khi làm việc khác. Thực hiện một nhiệm vụ cho đến cuối cùng là điều rất quan trọng để phát triển sức tập trung của bé. Ba mẹ cũng không nên vì trẻ mè nheo hay viện lý do để xuôi theo trẻ ngắt quãng hoạt động. Tuy nhiên cũng cần phân bổ thời gian sinh hoạt sao cho hợp lý, tránh quá dài để gây nhàm chán nhưng cũng không quá ngắn để trẻ xao nhãng.

rèn luyện sự tập trung

Hạn chế làm nhiều việc cùng một lúc

Trẻ thường thích nói chuyện điện thoại, chơi điện tử hoặc xem tivi cùng một lúc. Việc làm nhiều hoạt động cùng lúc tác động rất tiêu cực lên sự hình thành và rèn luyện tính tập trung ở trẻ. Ba mẹ hãy lên kế hoạch mỗi ngày để trẻ thực hiện những hoạt động cần sự tập trung, đồng thời hạn chế thói quen làm nhiều việc cùng một lúc. 

Tránh để bé bị làm phiền

Ba mẹ hay có thói quen lúc trẻ đang chơi sẽ hỏi han trẻ, hoặc kiểm tra lúc trẻ đang học xem trẻ làm bài đến đâu. Nhưng trên thực tế, đây lại là một thói quen không hề tốt cho việc rèn luyện sự tập trung. Nếu thấy trẻ đang tập trung ghép hình hoặc vẽ tranh, đừng ngắt quãng trẻ chỉ để hỏi xem muốn ăn gì hôm nay. Việc ngắt quãng sự tập trung của trẻ để hỏi về điều bạn muốn không khác gì việc để trẻ làm nhiều thứ cùng lúc. Vì vậy, ba mẹ hãy giúp trẻ tập trung bằng cách tránh làm phiền trẻ, đồng thời, hãy đề nghị tương tự với các thành viên trong gia đình.

KẾT LUẬN

Việc rèn luyện sự tập trung ở trẻ không phải một sớm một chiều có thể thực hiện được, cha mẹ nên bắt đầu rèn luyện cho con từ sớm để hình thành những ý thức hoàn thành công việc cho trẻ. Điều này sẽ giúp trẻ tránh được việc xao nhãng làm giảm sút kết quả học tập, đồng thời ba mẹ cũng dễ thở hơn nhiều so với việc phải gò con vào khuôn phép.

icon-call
Gọi ngay: 0936 292 686
icon-call
Chat ngay