Rối loạn ngôn ngữ là một vấn đề hiện tại đang được quan tâm, theo thống kê từ Medicinenet, có đến 5% trẻ nhỏ từ 3 – 5 tuổi được chẩn đoán bị chứng rối loạn này. Hội chứng này hình thành từ ấu thơ và kéo dài đến tuổi trưởng thành gây ra những cản trở trong đời sống và học tập. Tuy nhiên có phải nguyên nhân rối loạn ngôn ngữ là do học ngoại ngữ từ quá sớm như nhiều nhận định hiện nay? Chúng ta sẽ cùng làm rõ trong bài viết này.

Tiếng Anh giờ là một ngôn ngữ phổ biến trên toàn cầu. Xu hướng cho con tiếp cận với Anh ngữ từ độ tuổi còn nhỏ ngày càng gia tăng tại Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều những ý kiến đưa ra rằng, nếu cho trẻ học ngoại ngữ từ quá sớm sẽ khiến trẻ gặp phải tình trạng rối loạn ngôn ngữ. Đây cũng chính là lý do nhiều cha mẹ còn e ngại và phân vân không biết được tuổi nào nên cho con bắt đầu học tiếng Anh là phù hợp? Nhưng nhận định này liệu có đúng hay không, chúng ta cần có một cái nhìn chi tiết và đi sâu hơn để làm rõ được vấn đề đang gây tranh cãi này.

Rối loạn ngôn ngữ là gì?

Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ. Là việc trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp với người xung quanh bằng lời nói. Biểu hiện chính ở hai vấn đề rối loạn truyền đạt và rối loạn tiếp thu ngôn ngữ. Đối với trẻ em, rối loạn ngôn ngữ xảy ra chủ yếu ở nhóm đối tượng dưới 5 tuổi. 

  • Rối loạn truyền đạt: Gặp khó khăn khi truyền đạt ý nghĩ, ý tưởng tới người khác.

  • Dùng các từ tối nghĩa, không hợp hoàn cảnh.
  • Dùng sai thành ngữ, tục ngữ.
  • Nói sai thứ tự từ trong câu, Bỏ mất chữ khi nói, Khả năng thành lập câu bị hạn chế
  • Bé thường không nhớ tên của các đồ vật, gọi bằng “cái này”, “cái kia” để thay thế.
  • Vô thức đảo các âm trong một từ, ví dụ “mèo con” thì đọc thành “mòn ceo”…
  • Thường xuyên quên từ và phải tự chế một từ khác để thay thế.
  • Rối loạn tiếp thu: Gặp khó khăn khi tiếp thu lời nói của người khác trong giao tiếp.

  • Không thể tập trung nghe người khác nói nhất là khi có tiếng ồn như tiếng nhạc hoặc tivi.
  • Bé không hứng thú khi nói chuyện, không nhớ thông tin cuộc hội thoại đã xảy ra.
  • Luôn hiểu mọi thứ theo đúng nghĩa đen nên không hiểu được những câu đùa ẩn ý.
  • Không nhớ thông tin trong cuộc đối thoại vừa xảy ra.

Cứ 20 trẻ thì có đến 1 trẻ có triệu chứng rối loạn ngôn ngữ. Khi không rõ nguyên nhân, nó được gọi là rối loạn phát triển ngôn ngữ. Rối loạn ngôn ngữ có thể xảy ra ở trẻ em có các vấn đề phát triển khác, rối loạn phổ tự kỷ, khiếm thính và khuyết tật học tập.

Rối loạn ngôn ngữ khác với chậm phát triển ngôn ngữ. Với việc chậm phát triển ngôn ngữ. Đứa trẻ phát triển lời nói và ngôn ngữ giống như những đứa trẻ khác, nhưng muộn hơn.

Còn trong rối loạn ngôn ngữ. Lời nói và ngôn ngữ phát triển không bình thường. Trẻ có thể có một số kỹ năng ngôn ngữ, nhưng không có kỹ năng khác. Hoặc cách thức phát triển các kỹ năng này sẽ khác với bình thường.

rối loạn ngôn ngữ

Rối loạn ngôn ngữ có phải do học tiếng Anh từ sớm?

Nguyên nhân gây ra hiểu nhầm.

Có rất nhiều cha mẹ cho con tiếp xúc với tiếng Anh từ sớm, tuy nhiên sau một thời gian thì lại thấy con sử dụng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt đều rất chậm, con không chủ động được ngôn ngữ, thường nói các từ đơn, tối nghĩa. Khi cho con đi khám thì phát hiện ra con đang bị chậm ngôn cả tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ, cộng thêm cảm xúc và hành vi cũng có vấn đề. 

Có một số trường hợp con lại chỉ thích sử dụng tiếng Anh, không thích nói tiếng Việt. Đôi khi con gặp một số từ khó con sẽ ngay lập tức đổi sang từ tiếng Anh để thay thế. 

Khi con gặp tình trạng này, rất nhiều phụ huynh lo lắng và cho rằng, con bị rối loạn ngôn ngữ, và đó là do con học tiếng Anh từ quá sớm, điều này liệu có đúng không?

Tuy nhiên, theo như định nghĩa chúng ta đã đề cập ở trên (nguồn: Wikipedia, Bệnh viện Vinmec…) đều chỉ rõ rằng: Rối loạn ngôn ngữ là một dạng di chứng não, do vùng não bộ đảm nhiệm chức năng ngôn ngữ bị suy yếu khi cơ thể mắc phải những bệnh lý hay có những tổn thương khó hồi phục tại não bộ.

Không có bất kỳ một dẫn chứng, thống kê, nghiên cứu nào chỉ ra nguyên nhân của rối loạn ngôn ngữ là do việc học nhiều ngôn ngữ cùng một lúc hay do học ngôn ngữ thứ 2 từ sớm. Mà chỉ có những nghiên cứu chứng minh việc học ngôn ngữ từ sớm giúp cho trẻ thông minh hơn.

Thực tế cũng cho thấy, những đứa trẻ được sinh ra tại những khu vực đa ngôn ngữ vẫn có thể phát triển đồng hành 2-3 ngôn ngữ cùng một lúc. Ví dụ như ở Singapore, người Singapore có thể cùng sử dụng tiếng Anh và tiếng Trung (Quảng Đông). Hay như ngay tại Việt Nam, các bạn trẻ dân tộc Hoa sinh ra và lớn lên ở Thành phố Hồ Chí Minh, cũng có thể sử dụng nhuần nhuyễn ít nhất từ 2 ngôn ngữ là tiếng Hoa và tiếng Việt. 

Vậy sự hiểu nhầm ở đây là gì? 

Con sử dụng tiếng Anh và tiếng Việt song hành là con bị rối loạn ngôn ngữ? Thật ra khi trẻ tiếp xúc với nhiều loại ngôn ngữ, sẽ dẫn đến hiện tượng pha trộn ngôn ngữ trong giao tiếp (Core Switching). Tuy nhiên điều đó không phải là rối loạn ngôn ngữ mà phản ánh sự nhanh nhạy của trẻ khi tìm một từ chính xác cần diễn đạt nội dung mà ngôn ngữ này không thể lột tả được và được thay thế bằng ngôn ngữ khác. Trong khi nói, phản xạ của trẻ sẽ sử dụng từ vựng nào trẻ được tiếp xúc nhiều hơn. Vì vậy, khi môi trường tiếp xúc và thực với tiếng Anh của trẻ nhiều hơn tiếng Việt, trẻ sẽ nói tiếng Anh nhiều hơn. Hoặc trẻ chỉ học tiếng Anh thụ động bằng cách xem điện thoại, máy tính mà không có chỉ dẫn từ người lớn và tương tác thực tế, trẻ cũng sẽ có xu hướng gặp khó khăn khi nói chuyện và dùng xen kẽ tiếng Anh lẫn tiếng Việt trong khi không biết ý nghĩa thực tế của từ mình dùng.

Cha mẹ hãy có cách uốn nắn và chỉnh sửa phù hợp cho con, dạy cho con các từ đúng của từng ngôn ngữ chứ đừng phủ định quá gắt gao. Vì thái độ tiêu cực của cha mẹ cũng có thể gây nên cảm giác mất tự tin ở trẻ và khiến trẻ bị giới hạn khả năng giao tiếp.

Con chậm ngôn ngữ cả tiếng Việt và tiếng Anh, dùng từ đơn, tối nghĩa và không biết diễn đạt: Vấn đề này hoàn toàn không thể đổ lỗi cho việt học tiếng Anh sớm gây ra. Vì (1) Chậm ngôn ngữ là một khái niệm khác so với rối loạn ngôn ngữ và (2) có rất nhiều những nguyên nhân gây ra tình trạng này như: vấn đề sức khỏe của trẻ, việc lắng nghe của trẻ gặp trở ngại vì bệnh lý và có thể là cả phương pháp truyền đạt không phù hợp. Không có cơ sở khoa học nào để xác định tình trạng này xảy ra do học tiếng Anh sớm. 

Theo thực tế các nghiên cứu khoa học, thì kể cả ở trẻ bị mắc Hội chứng Down, trẻ vẫn có thể sử dụng song song hai ngôn ngữ bình thường, chỉ là trẻ sẽ học chậm và kém thành thạo hơn so với những trẻ bình thường khác nhưng không có sự khác biệt về trình độ giữa các bạn cũng bị bệnh nhưng chỉ học một ngôn ngữ trong cùng một điều kiện.

Thời điểm nào là tốt nhất để bắt đầu cho trẻ học tiếng Anh?

Câu trả lời là càng sớm càng tốt. Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu não bộ trẻ em thuộc Đại học Washington, Mỹ, trẻ em trong độ tuổi 0-3 có khả năng học ngôn ngữ một cách tốt nhất. Ngay từ khi sinh ra, trẻ đã có thể nhận biết và phân biệt ngữ âm của tất cả các ngôn ngữ trên thế giới. Nhưng dần khi lớn nên, khả năng này của trẻ sẽ ngày càng giảm.

Trẻ có thể học hai hay nhiều ngôn ngữ cùng lúc và đây là một khả năng tuyệt vời của bộ não con người, việc học nhiều ngôn ngữ không hề gây ra tác động tiêu cực như chúng ta vẫn lầm tưởng. Tuy nhiên, độ tuổi cũng chỉ là một trong những yếu tố tác động tới chất lượng tiếng Anh ở trẻ, ngoài ra còn các yếu tố khác như môi trường, mục tiêu và chất lượng ngôn ngữ… Chính vì vậy, nếu bố mẹ muốn cho con tiếp xúc với tiếng Anh từ sớm, hãy đảm bảo cho con có một môi trường ngôn ngữ lành mạnh, phương pháp phù hợp và không nặng nề vì mục tiêu phải phải học cả hai ngôn ngữ.

rối loạn ngôn ngữ

Phương pháp hiệu quả cho trẻ học tiếng Anh từ sớm

1. Không để trẻ “tự” học tiếng Anh qua Youtube

Hoạt động học tiếng Anh thụ động này không hề giúp trẻ học được tiếng Anh như nhiều bậc phụ huynh vẫn lầm tưởng. Nhiều cha mẹ bận rộn thường đưa điện thoại và các thiết bị di động cho con xem, sau đó thấy con có thể nói vài từ tiếng Anh lại cho rằng con mình là thần đồng nhưng thực tế thì lại không phải. Các nghiên cứu còn chỉ ra rằng, cho trẻ tiếp xúc với Youtube quá nhiều thậm chí còn cản trở ngôn ngữ của trẻ vì trẻ hầu như không có tương tác với mọi người xung quanh, trong khi việc hình thành ngôn ngữ cần phải thông qua lắng nghe âm thanh, ngữ điệu tương tác và thực hành liên tục. Tất nhiên, trẻ vẫn có thể học tiếng Anh qua Youtube hay truyền hình, nhưng đó là khi có sự hướng dẫn, định hướng phù hợp từ cha mẹ hay người lớn để củng cố ngôn ngữ trong cuộc sống thực tế.

Vì vậy, nếu bố mẹ nhận thấy bản thân mình chưa phù hợp để có thể định hướng cho con trong tiếng Anh, hãy tìm tới các trường học hoặc trung tâm uy tín để bắt đầu cho con học tiếng Anh một cách bài bản và có phương pháp. Đừng vì mục tiêu con phải biết thật nhiều thứ tiếng từ sớm để gây áp lực tới con bằng những cách học không phù hợp.

2. Mỗi độ tuổi cần có phương pháp học phù hợp

Ba yếu tố quan trọng nhất trong đào tạo tiếng Anh là giáo trình, giáo viên và phương pháp học. Trong đó, giáo trình tốt là giáo trình chuẩn thang đo quốc tế song phải phù hợp với tâm lý, tính chất của văn hoá bản địa, được soạn để phù hợp với tư duy của người học ở mỗi châu lục, khu vực. Có một khoảng thời gian các trung tâm tiếng Anh ở Việt Nam bùng nổ về số lượng, rất nhiều trung tâm tiếng Anh giá rẻ mọc lên nhưng những giáo viên nước ngoài ở đó đa phần là “Tây balo” chỉ có ngôn ngữ chứ không có phương pháp dạy học. Chính vì thế họ thường có xu hướng áp dụng cùng một cách dạy cho tất cả các lứa tuổi. Và cuối cùng thì sự thiệt hại ở đây chính là đứa trẻ với ngôn ngữ không hoàn chỉnh.

3. Cần quan tâm đến cảm xúc của trẻ

Bên cạnh việc dạy ngôn ngữ, trẻ cũng cần được quan tâm đến tư duy, kỹ năng mềm và cảm xúc… vì cuối cùng, ngôn ngữ được tạo ra cũng là để chúng ta có thể giao tiếp. Việc trẻ biết được nhiều ngôn ngữ là để trẻ có thể tiếp xúc với nhiều điều tốt hơn, chứ không phải là ganh đua xem con ai giỏi hơn, bé nào biết được nhiều ngôn ngữ hơn. Cha mẹ cũng cần hiểu rõ được các con thay vì gò ép trẻ theo mục tiêu của bản thân mình.

Kết luận

Học tiếng Anh từ sớm không phải là nguyên nhân gây ra rối loạn ngôn ngữ ở trẻ. Những biểu hiện mà cha mẹ thường cho là rối loạn ngôn ngữ vì học tiếng Anh thực tế lại là những điều xảy ra rất bình thường ở một đứa trẻ sống trong môi trường đa ngôn ngữ. Việc cha mẹ cần làm là có kế hoạch, phương pháp và lựa chọn môi trường học tập phù hợp với độ tuổi và tâm lý của con.

icon-call
Gọi ngay: 0936 292 686
icon-call
Chat ngay