Văn hóa lì xì là một trong những nét văn hóa tốt đẹp trong dịp Tết cổ truyền. Tuy nhiên nét văn hóa này đang dần đi chệch hướng bởi những câu nói đùa, tưởng chừng là vô hại nhưng thực tế lại đang “vật chất hóa lì xì”, điều này sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới lối suy nghĩ của trẻ. Vậy thì “vật chất hóa lì xì” có ảnh hưởng ra sao và ba mẹ nên dạy trẻ thế nào để gìn giữ sự trong sáng của những đồng tiền may mắn này.

Vật chất hóa lì xì gây ảnh hưởng tới trẻ như thế nào?

Khoảng vài năm trở lại đây, cứ mỗi dịp Tết đến, có một trend đăng ảnh các con kèm theo status: “Mấy ngày nữa là lao động chính của gia đình” hay “nguồn thu nhập Tết của cả nhà”.

Có thể là ba mẹ đùa cho vui, nhưng những câu nói đùa này có ảnh hưởng hơn ba mẹ nghĩ rất nhiều. Vì đó là “VẬT CHẤT HOÁ lì xì”, một xu hướng và lối suy nghĩ khá độc hại. Nó ảnh hưởng nhiều đến định hướng phát triển trong lối suy nghĩ của trẻ, đồng thời làm mất đi ý nghĩa của “đồng tiền may mắn” dịp năm mới.

Thứ nhất, khiến con không hiểu được “Tiền không hề dễ dàng kiếm được”

Ba mẹ đang dạy con rằng: Tiền lì xì (tiền mừng tuổi) là một nguồn THU NHẬP. Thu nhập này là từ người khác cho. Con chỉ cần chào, chúc một câu hoặc thậm chí đôi khi không cần chào, nhiều người lớn thấy trẻ là tự động đưa phong bao.

Thế rồi phong bao là của con nên con có quyền tò mò mở ngay ra xem con có những gì. Thì ôi chao là những tờ tiền xanh đỏ mà hàng ngày ba mẹ vẫn dạy con rằng: “Đây là tiền ba mẹ phải vất vả đi làm thì mới có để mua đồ ăn, đồ chơi, cho con đi học…”

Thế nhưng sao bây giờ con lại nhận được tiền dễ dàng quá, tiền thì có gì khó kiếm đâu. Vậy con phải đi kiếm thêm thôi. Kiếm thêm bằng cách nào nhỉ? Chú kia chưa đưa phong bao, để con ra đòi. Cô kia lì xì ít quá, có mỗi mười ngàn, phải xin thêm thôi. Chắc hẳn có người cũng đã từng gặp qua tình huống khó xử khi lì xì trẻ xong, trẻ mở phong bao ngay trước mặt và bĩu môi nói “Ít thế!”

Những cách hành xử xấu xí đó thật sự không phải là hiếm, khi người ta dần vật chất hóa chuyện lì xì. Ba mẹ tạo cho con một tiền lệ xấu khi coi lì xì là một nguồn thu nhập chứ không phải là những tình cảm và mong ước tốt đẹp vào năm mới nữa.

Thứ hai, khiến con hiểu nhầm: “Người lớn thể hiện tình yêu bằng vật chất”.

Việc “vật chất hoá lì xì” tới tâm lý so sánh, đo tình yêu bằng vật chất. 1-2 tuổi có thể các con chưa hiểu. Nhưng lớn hơn một chút bắt đầu tiếp xúc với con số, các con biết số 5 lớn hơn số 1. Và các con sẽ nhớ là cô A lì xì con nhiều hơn chú B, tức là cô A yêu con hơn chú B.

Không thiếu những trường hợp, trẻ con nghe được những cuộc trò chuyện của cha mẹ nói rằng lì xì con chú này nhiều hơn, con cô nọ ít hơn vì mối quan hệ thân sơ giữa các gia đình. Thế là trẻ mặc nhiên nghĩ, à tức là lì xì càng nhiều thì chúng ta càng thân thiết. Điều này có thể không hẳn sai trong các mối quan hệ của người lớn. Thật ra ai cũng hiểu rằng, đôi khi cũng phải có những mối quan hệ của ba mẹ thì con mới có thể nhận lì xì từ người khác. Tuy nhiên, đối với tâm trí của trẻ em, sự “sòng phẳng” này lại đang làm méo mó đi ý nghĩa tốt đẹp của lì xì năm mới.

vật chất hóa lì xì và câu chuyện dạy trẻ ngày tết

Những ảnh hưởng tới thái độ sống đối với tiền nói chung và vật chất nói riêng.

Mỗi câu nói, mỗi hành vi của bố mẹ đều góp phần định hình tư duy, thái độ sống của con.

Những đứa trẻ coi trọng vật chất thường định hình niềm tin rằng thành công được đo bằng việc sở hữu những món đồ đắt tiền hay lượng lớn của cải vật chất. Điều này khiến chúng coi thường những người nghèo, có cái nhìn sai lệch về giá trị cuộc sống khi trưởng thành. Ba mẹ nên có những quy định quán triệt với con

Con cần hiểu:

  • Tiền lì xì là tiền mừng tuổi với ý chúc con khoẻ mạnh, may mắn. Ba mẹ có thể dạy con thêm về nguồn gốc và ý nghĩa của lì xì để con có thể hiểu rõ hơn.
  • Ý nghĩa tượng trưng, không phân biệt ít nhiều. Mỗi người lì xì khi cho con phong bao đều có tình yêu thương và ý chúc tốt đẹp với con.
  • Con cũng có thể mừng tuổi người khác, đặc biệt là ông bà, người lớn tuổi để thể hiện lòng kính yêu và thành ý chúc sức khoẻ, may mắn.

Con không được:

  • Tuyệt đối không mở phong bao trước mặt người mừng
  • Không được phép vòi vĩnh, không xin tiền mừng tuổi 
  • Không được chê ít, không được có vẻ mặt thất vọng
  • Không được tự ý sử dụng tiền lì xì lung tung vì đây là những đồng tiền mang ý nghĩa nên cần sử dụng vào những mục đích tốt đẹp

Vậy thì bằng tiền lì xì, cha mẹ có thể dạy con những gì?

Nhiều phụ huynh lựa chọn nói thẳng với con rằng tiền lì xì của con nhận được thì ba mẹ cũng phải đi lì xì con cháu của người khác, với mong muốn con hiểu được tiền lì xì không tự nhiên mà có. Tuy nhiên thì cách làm này cũng vô tình làm trẻ thấy áp lực về đồng tiền mang ý nghĩa may mắn này. Thật ra, sau khi tổng kết số tiền lì xì, thì đây là một cơ hội khá tốt để ba mẹ có thể dạy con về nhiều điều vô cùng ý nghĩa .

  • Dạy con về tính trách nhiệm

Thay vì quan niệm “trẻ con chưa biết tiêu tiền”, “trẻ con không nói chuyện tiền nong”…rồi cho mình quyền quản lý luôn số tiền đó, cha mẹ có thể dạy con về việc có trách nhiệm với đồng tiền mình nhận được. Đa phần trẻ không nghĩ quá nhiều và hay có xu hướng vứt tiền lung tung, lớn hơn chút thì mua những món đồ không cần thiết. Nhân dịp này ba mẹ hãy nói chuyện với con về việc phải giữ gìn tiền lì xì cẩn thận. Tiền lì xì là những đồng tiền có ý nghĩa, chính vì vậy con cần quý trọng và dùng cho những điều cần thiết. Đó chính là có trách nhiệm với bản thân con và với tình cảm của mọi người đã gửi gắm.

vật chất hóa lì xì và câu chuyện dạy trẻ ngày tết

  • Dạy con về sự sẻ chia và lòng trắc ẩn.

Hẳn nhiều ba mẹ còn nhớ câu chuyện về cậu bé dành toàn bộ số tiền lì xì của mình để mua khẩu trang phát cho mọi người hồi tết 2020 dịch bệnh bắt đầu bùng phát. Đó chính là hình ảnh tiêu biểu của việc dùng tiền lì xì để lan tỏa tình yêu thương.

Đây là cách rất tốt để dạy trẻ về sự sẻ chia và lòng trắc ẩn. Lì xì là tình cảm, sự quan tâm của mọi người xung quanh dành cho con, nhưng có rất nhiều những bạn nhỏ chưa may mắn bên ngoài kia lại không được nhận tình yêu đó. Chính vì vậy con có thể dùng số tiền lì xì mà mình đã nhận được, đi quyên góp hoặc mua vật phẩm tặng các bạn nhỏ kém may mắn khác để cùng lan tỏa tình yêu thương.

  • Dạy con về chi tiêu, tiết kiệm và cả tư duy tiền bạc

Đây là một dịp để có thể dạy con chi tiêu đúng cách và có kế hoạch. Ba mẹ có thể hướng dẫn con dùng tiền để gửi tiết kiệm dành cho các mục tiêu lớn như mua máy tính, xe đạp, quỹ học đại học của con…. Hoặc cùng nhau lập một bảng kế hoạch chi tiêu cho những thứ cần thiết theo thứ tự ưu tiên, nếu dư ra một khoản nhỏ, con hoàn toàn có thể được dùng phần dư đó để mua món đồ mà con yêu thích đã lâu. 

Với các bạn lớn hơn một chút, ba mẹ cũng có thể cho con học cách về đầu tư và kinh doanh. Không đặt nặng lời lãi hay vấn đề đao to búa lớn gì cả. Một buổi nhập sách cũ, cây cảnh… về bán lại trong khu dân cư, dù lãi hay lỗ thì con cũng hiểu được một điều, làm ra tiền không hề đơn giản. Dần dần, hãy hỏi con về suy nghĩ làm sao để bán hàng hiệu quả hơn, đây cũng là cách để dạy con về tư duy tài chính từ sớm và có ý thức hơn trong việc quý trọng đồng tiền.

icon-call
Gọi ngay: 0936 292 686
icon-call
Chat ngay